Xây dựng mô hình nông nghiệp điểm, đặc biệt với hoa lan

Thời gian qua, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp điểm để hỗ trợ, chuyển giao cho nông dân. Bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, và tạo tiền đề quan trọng để nông dân thành phố ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Là một Chi hội trưởng Hội Nông dân trẻ tuổi, chị Liêu Thị Kim Phượng luôn năng động, tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nghiên cứu những cách làm hay lai tạo ra những giống mới cho thị trường hoa lan trong nước. Để phát triển mạnh các giống lan có giá trị kinh tế cao, cũng như huy động vốn đầu tư ứng dụng các công nghệ tiên tiến, mở rộng sản xuất, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, chị Kim Phượng đứng ra thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Vườn Lan Việt tại phường Phước Bình, TP Thủ Đức. Hiện, Vườn Lan Việt sản xuất các giống hoa lan Dendro với hơn 200 loại mặt bông với năng suất 3.000 chai mô lan giống, 50 nghìn cây giống mỗi tháng, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho hợp tác xã và kinh tế địa phương, tạo việc làm cho hơn 15 lao động chính và 20 lao động thời vụ.

Từ khi được thành lập, Vườn Lan Việt luôn vững vàng với mục tiêu mang lại cho nhà vườn những cây giống đạt chuẩn, đa dạng và chất lượng tốt nhất. Theo chị Kim Phượng, hoa lan được ngành nông nghiệp thành phố xác định là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, tăng giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Là một hợp tác xã khởi nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao còn non trẻ trên thị trường, Vườn Lan Việt mong muốn các đơn vị liên quan tiếp tục được sự hỗ trợ về nguồn vốn, công nghệ quản lý, đặc biệt là ứng dụng công nghệ quản lý bằng mã QR – truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Quên, Chủ tịch Hội Nông dân TP Thủ Đức cho biết: Thời gian qua, mặc dù diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng do đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được nông dân mạnh dạn ứng dụng đạt năng suất chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số mô hình nổi bật trên địa bàn gồm: Mô hình trồng nấm rơm trong nhà ứng dụng công nghệ cao, sử dụng điện thoại di động điều khiển tưới nước và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm sạch, tươi ngon; mô hình cây giống hoa lan Dendrobium nghiên cứu lai tạo, sản xuất cây giống, lai tạo mặt hoa mới, giống cây khỏe, ít nhiễm bệnh, rút ngắn thời gian sinh trưởng… đem lại lợi nhuận cao cho người trồng; mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu theo công nghệ Hoa Kỳ và Israel cho năng suất, chất lượng cao phát triển mạnh trên địa bàn TP Thủ Đức… Các mô hình này hằng năm thu nhập hàng tỷ đồng, trở thành những mô hình điểm để nhân rộng trong thời gian tới.

Để nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hằng năm, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh và Hội Nông dân TP Thủ Đức đã tích cực vận động nông dân triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, Hội Nông dân đã tổ chức các buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng khoa học-công nghệ vào trồng trọt; tổ chức các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; thúc đẩy hàng trăm hộ nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở quan trọng để Hội Nông dân các cấp nhân rộng cho toàn nông dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, triển khai ứng dụng. Theo bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, hằng năm, Hội Nông dân các cấp đều xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả để vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia, đầu tư phát triển. Trong đó, hội chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất mang lại giá trị cao cho nông dân. Năm 2021, hội đã vận động thành lập tám chi hội ngành nghề và 79 tổ hội ngành nghề, nâng tổng số chi, tổ hội ngành nghề trên địa bàn thành phố lên 165 chi hội, 465 tổ hội. Các chi, tổ hội ngành nghề từng bước đi vào hoạt động ổn định, được các cấp hội quan tâm hỗ trợ, củng cố kiện toàn.

Trong năm 2021, các cấp hội đã trực tiếp, phối hợp tổ chức 64 lớp tập huấn cho gần hai nghìn hội viên nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức 39 chuyến tham quan cho cán bộ, hội viên nông dân học tập mô hình sản xuất nông nghiệp, mô hình hợp tác xã tiêu biểu để giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Hội cũng phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố để giới thiệu, chuyển giao các mô hình điểm ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân triển khai, nhân rộng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
Contact Me on Zalo
0902441367